Riot Games cáo buộc NetEase sao chép thiết kế nhân vật, bản đồ, vũ khí, skin vũ khí và charm phụ kiện trên vũ khí, những món đồ có thể được bán bằng tiền mặt cho những người muốn sở hữu, để tạo ra doanh thu cho một tác phẩm game free to play, tập trung hoàn toàn vào kỹ năng nhân vật. Riot Games cũng cho biết, sau những phàn nàn đầu tiên, studio trực thuộc NetEase cũng đã chỉnh lại phong cách đồ họa của game một chút, nhưng ngần đó là chưa đủ để giải quyết vấn đề vi phạm tác quyền.
Luật sư của Riot Games, Dan Nabel trả lời phỏng vấn trang tin game Polygon: “Tất cả những lựa chọn sáng tạo trong game của chúng tôi đều được hiện diện trong game của NetEase. Chúng tôi không nghĩ việc đổi màu sắc kỹ năng nhân vật hoặc chỉnh nhẹ bề ngoài đồ họa có thể phủ nhận việc đó rõ ràng là vi phạm bản quyền. Nói theo cách của người xưa, có tô son cho con lợn thì đó vẫn là con lợn.”
Trước đó cũng từng có lần NetEase bị PUBG Corp của Hàn Quốc khởi kiện hồi năm 2018, khi Knives Out và Rules of Survival của hãng game Trung Quốc bị tố cáo sao chép PUBG nổi tiếng. Năm 2019, hai hãng game đã đạt được thỏa thuận, nhưng khoản đền bù không được công khai.
Còn về phần Riot Games, họ từng khởi kiện nhà phát triển Shanghai Moonton Technology Co., với game Mobile Legends: Bang Bang với cáo buộc sao chép League of Legends. Sau đó họ kiện cả Imba Network của Việt Nam vì cho rằng I Am Hero: AFK Tactical Teamfight giống với phiên bản “cờ” Teamfight Tactics. Năm 2018, Riot Games cũng đã nhờ công ty mẹ là Tencent khởi kiện và lấy được khoản bồi thường 2,9 triệu USD sau khi khởi kiện Moonton Technology, vì trò chơi Mobile Legends cũng sao chép League of Legends.
Theo Polygon